Thứ Năm, 2 tháng 5, 2019

Tái cơ cấu nền kinh tế, TTCK phải mở đường

Tái cơ cấu TTCK và các định chế tài chính được Chính phủ xác định là để loại bỏ các nguy cơ mất an toàn đối với TTCK và nền kinh tế

Tái cơ cấu TTCK và các định chế tài chính được Chính phủ xác định là để loại bỏ các nguy cơ mất an toàn đối với TTCK và nền kinh tế.

Tái cơ cấu (TCC) hệ thống tổ chức tín dụng và TTCK được Chính phủ định vị là nhiệm vụ đầu tiên phải thực hiện khi triển khai Đề án TCC nền kinh tế thời gian tới. Điều này đang tạo ra cơ hội, đồng thời tăng sức ép để cải cách TTCK nhanh hơn, qua đó gia tăng sức hấp dẫn cho thị trường.

 

 

 

4 nội dung tái cơ cấu

 

Đề án tổng thể TCC nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả, năng suất và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế vừa được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến. Điểm đáng chú ý trong Đề án là trong tổng số 5 lĩnh vực TCC, thì TCC TTCK và các định chế tài chính được Chính phủ xác định là nhiệm vụ đầu tiên phải thực hiện của quá trình TCC kinh tế. Điều này tạo áp lực, nhưng đồng thời mở ra cơ hội TCC TTCK khẩn trương hơn, để TTCK thực hiện ngày càng tốt hơn chức năng trung gian tài chính như mục tiêu mà Đề án xác định.

 

TCC TTCK sẽ được thực hiện theo 4 nội dung chính: cơ cấu lại, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng hàng hóa trên TTCK; cơ cấu lại cơ sở NĐT theo hướng đa dạng hóa cơ sở NĐT, mở rộng cơ sở NĐT có tổ chức; sắp xếp lại các tổ chức kinh doanh chứng khoán theo hướng nâng cao năng lực tài chính, chất lượng dịch vụ và phòng ngừa rủi ro; cuối cùng là cơ cấu lại thị trường giao dịch chứng khoán theo hướng tạo ra một thị trường giao dịch thống nhất với tiêu chí niêm yết, giao dịch, công bố thông tin theo chuẩn mực chung và một hệ thống quản trị điều hành, quản trị rủi ro thống nhất.

 

TCC TTCK và các định chế tài chính được Chính phủ xác định là để loại bỏ các nguy cơ mất an toàn đối với TTCK và nền kinh tế, gia tăng năng lực trên tất cả các mặt, hiệu quả hoạt động của từng thành viên và của cả hệ thống. Qua đó, làm cho TTCK thực hiện ngày càng tốt hơn chức năng trung gian tài chính, nghĩa là huy động và phân bổ vốn từ người tiết kiệm sang người đầu tư, đồng thời chuyển dịch vốn từ ngành và DN kém hiệu quả sang các ngành và DN có hiệu quả cao hơn, giảm dần lệ thuộc của nền kinh tế vào vốn tín dụng, tăng tương ứng tỷ trọng vốn đầu tư cổ phần…

 

Những giải pháp TCC TTCK đã được đề cập nhiều, vấn đề là cần hành động đột phá

 

 

 

 

 

Cần hành động đột phá

 

Thực ra, những giải pháp TCC TTCK đã được đề cập tại nhiều diễn đàn. Bởi vậy, vấn đề mấu chốt để tạo chuyển biến trong thực hiện TCC TTCK, theo ông Lê Văn Châu, nguyên Chủ tịch UBCK, Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán, là cần hành động đột phá. Muốn vậy, không nên ôm đồm triển khai nhiều giải pháp trong thời gian ngắn, mà cần chọn những giải pháp then chốt, để khi thực hiện thành công sẽ tạo sức lan tỏa trong giải quyết những điểm nghẽn cản trở sự phát triển của TTCK.

 

Với góc nhìn như vậy, ông Châu cho rằng, Chính phủ cần chỉ đạo Bộ Tài chính, UBCK và các bộ, ngành liên quan tập trung triển khai quyết liệt 5 giải pháp sau. Thứ nhất, nâng cao hơn nữa vai trò của UBCK, nhằm tạo sự chủ động, linh hoạt và hiệu quả hơn trong quản lý, điều hành thị trường. Thứ hai, sớm hình thành các tiêu chí thành lập và hoạt động của CTCK theo hướng khắt khe và đồng bộ hơn, để đào thải các đơn vị yếu kém, trên cơ sở đó nâng cao chất lượng đội ngũ trung gian của thị trường. Thứ ba, cơ cấu lại hai Sở GDCK thành một Sở mạnh, mang tầm cỡ quốc gia như định hướng xây dựng TTCK ban đầu. Thứ tư, thỏa thuận hợp tác đã được Bộ trưởng Bộ Tài chính và Thống đốc NHNN ký kết cần được thúc đẩy triển khai bằng các giải pháp cụ thể, quyết liệt, để không chỉ góp phần quan trọng đưa nền kinh tế đi vào giai đoạn ổn định hơn, mà còn hình thành cơ chế hỗ trợ TTCK phát triển lành mạnh, bền vững. Cuối cùng là cần chú trọng cải thiện chất lượng hàng hóa gắn liền với nâng cao chất lượng NĐT. Để đạt mục tiêu này, cần rà soát lại hệ thống chính sách thuế đánh vào hoạt động đầu tư, kinh doanh chứng khoán.

 

"Lúc đầu, trong quá trình khởi xướng xây dựng TTCK, tôi đề xuất Bộ Chính trị miễn thuế đối với kinh doanh chứng khoán, nhằm hỗ trợ TTCK phát triển trong giai đoạn đầu. Hiện tại, tinh thần của đề xuất này vẫn còn giá trị và nên triển khai sớm", ông Châu nói.

 

Làm thế nào để sớm cụ thể hóa những định hướng lớn của Đề án thành các giải pháp, hành động quyết liệt không chỉ là trăn trở của những người đã nhiều năm lăn lộn với TTCK như ông Châu. Trong quá trình thẩm tra Đề án, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đã kiến nghị một loạt giải pháp, nhằm đảm bảo hiện thực hoá Đề án này. Theo đó, ngoài làm rõ nhiệm vụ của từng bộ, ngành, cần hình thành một thiết chế riêng chịu trách nhiệm giúp Quốc hội, Chính phủ trong tổ chức thực hiện Đề án. Quốc hội cũng cần có Nghị quyết về việc theo dõi, giám sát thực hiện Đề án.

 

Theo tìm hiểu của ĐTCK, UBCK vừa xây dựng xong kế hoạch triển khai Chiến lược phát triển TTCK Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và Đề án quản lý vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài, trình Bộ Tài chính phê duyệt, để tổ chức triển khai. Động thái này cùng với sức ép là người mở đường trong triển khai thực hiện Đề án tổng thể TCC nền kinh tế sắp tới, thị trường kỳ vọng chuyển động chính sách trong lĩnh vực chứng khoán sẽ có bước đột phá. Qua đó, đưa TTCK bước sang giai đoạn phát triển mới bền vững, hiệu quả hơn, đồng thời mở ra cơ hội đầu tư công bằng, minh bạch và hấp dẫn hơn cho NĐT.

 

Theo Hữu Đạo
ĐTCK



Nguồn Bài Viết: www.tinmoi.vn/tai-co-cau-nen-kinh-te-ttck-phai-mo-duong-01867226.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét